top of page

Đám cưới Việt- 100 năm nhìn lại ngày hạnh phúc

100 năm đám cưới Việt Nam chia làm 5 giai đoạn: đám cưới khoảng nửa đầu thế kỷ 20; đám cưới thời chiến; đám cưới thời “bao cấp”, đám cưới thời kỳ đổi mới, và đám cưới hiện đại ngày nay.



1/ Đám cưới giai đoạn trước năm 1945:

Cách nay nửa thế kỷ, nhà văn Tô Hoài đã mô tả một cảnh rước dâu ở miền Bắc như sau: “Một ông cụ khòm lưng, râu tóc bạc phơ, mặc tấm áo thụng xanh ôm bó hương khói lên nghi ngút đi trước. Cụ đi cùng mấy ông già thuộc về nhà trai. Sau mới đến chú rể, các bạn phù rể. Sau cùng là cô dâu và các cô phù dâu…Chú rể đầu chít khăn lượt, đội nón chóp quai tua. Cô dâu thắt lưng nhiễu Tam Giang, bên trong còn đôi giải yếm lụa bạch… Hai bên đường chật ních người xem, người ta chú ý nhìn cô dâu, nhìn từng li từng tí …”

Theo lễ giáo phong kiến, hôn nhân là việc hai họ đứng ra dựng vợ gả chồng cho con cái, lấy “môn đăng hộ đối” làm đầu. Bởi thế, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; hầu hết các cô dâu chú rể đến ngày cưới mới biết mặt.



2/ Đám cưới thời chiến “ Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” (1945 – 1975)

Hoàn cảnh chiến tranh, đám cưới tổ chức vào ban đêm, trong ánh đèn dầu ấm cúng để tránh máy bay oanh tạc, không có hoa cưới, trang hoàng cầu kỳ nhưng thắm tình đồng chí đồng đội. Và hình ảnh trở thành biểu tượng cho đám cưới thời chiến đó là dòng chữ khẩu hiệu dán trên tường “ Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.

Trang phục cưới của các chú rề đều là quần âu, áo sơ mi trắng “ cắm thùng”, đi dép xăng đan. Còn với cô dâu khi là áo dài, áo lụa hay áo sơ mi trắng có cổ lá sen… Trang điểm cho cô dâu rất giản dị với mái tóc tết “đuôi sam” gọn gàng có cài nhành hoa, đôi môi thoa chút son đỏ, hai má hồng nhẹ và chân đi guốc sơn đen. Giản dị đến thế nhưng các chú rể cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy “người thương” của mình tinh khôi, duyên dáng trong ngày cưới.



3/ Đám cưới thời bao cấp giai đoạn 1975 – 1986

Ngày đầu hòa bình lập lại, miền Bắc còn nhiều khó khăn nhưng đám cưới Hà Nội đã trở lại với những nghi lễ cổ truyền như : dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới và hai lễ gia tiên nội ngoại tại nhà cô dâu. Các nhà khá giả còn thêm phần cầu kỳ, trang trọng cho đám cưới nhà mình bằng cách kèm vào một túi quà gồm bánh su sê, gói chè mạn, hạt sen và quả cau lá trầu khi đi mời cưới…

Trang phục cưới thời hòa bình bắt đầu cầu kỳ hơn: cô dâu áo dài trắng, chú rể “bộ củ” comple. Áo dài cô dâu dễ mượn dễ may song quần áo chú rể mới là điều đáng nói. Ai có tiền mới dám may một bộ, còn lại thì phải đi mượn nhưng để mượn được một bộ vừa người cũng không phải dễ. Xong comple lại đến giầy, giầy xấu đẹp hay màu gì cũng được miễn là phải vừa chân bởi nếu chật thì thật khốn khổ. Cô dâu mặc áo dài trắng trong ngày cưới, tóc được quấn cầu kỳ và cài voan, hoa trang trí để phân biệt với các cô phù dâu khác. Cô dâu thời kỳ này đã đẹp và rực rỡ hơn khi thuê được cả thợ trang điểm và đội phù dâu.



4/ Đám cưới thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập (1986 - 2010)

Thời kỳ này người ta không còn những ý niệm về một đám cưới đầy thử thách gian nan thời chiến hay những đám cưới giản dị thời bao cấp mà là một sự tròn đầy, viên mãn cả về vật chất lẫn tinh thần của đôi lứa. Nhưng nhiều gia đình cử hành hôn lễ vẫn giữ được nền nếp gia phong, nêu cao truyền thống tạo ấn tượng tốt đẹp trong ngày hôn lễ.

Đặc biệt là nghi thức trao nhẫn. Theo nhà văn Sơn Nam thì trước thế kỷ 20 lễ cưới Việt Nam chưa có tục trao nhẫn mà chỉ có lễ “động phòng hoa chúc” và tặng đôi bông tai làm kỷ vật. Nhẫn cưới thời kỳ này chưa cầu kỳ, chất liệu chủ yếu là vàng ta và được thiết kế trơn, đơn giản tạo sự thoải mái cho các cặp đôi trong sinh hoạt thường ngày.

Ngày cưới, các cô dâu được trang điểm khá lộng lẫy, đánh phấn trắng, má hơi phớt hồng cùng với trang phục váy cưới cũng được chăm chút, cầu kỳ hơn so với các chú rể thì vẫn mặc bộ comple truyền thống.



5/ Đám cưới hiện đại - “Cả đời người có một lần” (2010 đến nay)

Ấn tượng nổi bật của đám cưới thế kỷ hai mốt là sự đồng nhất trong tất cả các khâu tổ chức lẫn việc chú trọng tạo một “style” đẹp cho đôi uyên ương trong toàn bộ trước và sau lễ cưới. Quan niệm về tầm quan trọng của một lễ cưới vẫn được giữ nguyên vẹn và thậm chí còn rất được xem trọng. Các cô dâu chú rể ngày nay rất cầu kỳ trong khâu tổ chức đám cưới của mình.

Việc tổ chức một lễ cưới được quan tâm từ những chi tiết nhỏ nhất như chọn tấm thiệp cưới với thiết kế, màu sắc như thế nào, hay chiếc nhẫn cưới cũng rất được chú trọng vì nó là kỷ vật theo 2 người suốt những năm tháng về sau.



Những cặp nhẫn cưới ngày nay đã có sự khác biệt rất lớn về cả chất liệu lẫn kiểu dáng thiết kế. Thay vì dùng vàng ta (vàng 24K) mềm và dễ bị làm méo như trước, thế hệ nhẫn hiện đại bây giờ được chế tác từ vàng tây (10K, 14K hay 18K), vàng trắng hoặc bạch kim với độ cứng cùng vẻ đẹp sáng bóng hơn hẳn. Bên cạnh đó các mẫu thiết kế cũng không còn chỉ là kiểu trơn truyền thống mà được cách điệu với các họa tiết gần gũi như hoa lá, gắn thêm đá quý hoặc kim cương, thể hiện sự trẻ trung, năng động tạo điểm nhấn cá tính trên tổng thể bộ trang phục.

Ngoài ra, trong đám cưới, cô dâu chú rể thường mặc trang phục theo kiểu Tây phương ; cô dâu mặc soirre trắng, chú rể mặc vest. Nhưng trong lễ ăn hỏi hình ảnh thường thấy vẫn là áo dài cưới truyền thống. Tất cả làm nên sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại cho đám cưới ngày nay.

328 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page